Top những ngôi chùa tại Biên Hòa

Những ngôi chùa tại Biên Hòa Đồng Nai cũng có từ rất lâu đời, có bề dày lịch sử. Từ lâu các ngôi chùa còn là nơi tập trung của các sư, tăng, (hay ni nếu là chùa nữ) sinh hoạt, tu hành, và thuyết giảng đạo Phật. Tại nơi này, mọi người kể cả tín đồ hay người không theo đạo đều có thể đến thăm viếng, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ tôn giáo.

Ngoài những khu du lịch và địa danh nổi tiếng, thành phố Biên Hòa – Đồng Nai cũng là thánh địa của rất nhiều ngôi chùa đẹp. Với những ai đang muốn làm một chuyến du lịch tâm linh ở đây thì hãy nghía qua danh sách dưới đây nhé.

Chùa Bửu Phong

Chùa Bửu Long nằm trên ngọn núi Bửu Long, thuộc phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai, là ngôi cổ tự rêu phong cổ kính, có những pho tượng với những nét điêu khắc đặc biệt Á Ðông.

Khuôn viên chùa Bửu Long

Chùa được xây dựng vào năm 1679, theo hình chữ “tâm” gồm chính điện, giảng đường, nhà thờ tổ, ngoài ra còn có nhiều phòng Ni phái và nhà dưỡng tăng. Trong chùa có những pho tượng mang nét đặc biệt Á Đông và nhiều cổ vật như cặp nai vàng đời Nguyễn, đầu “phường cổ”(Nhà Phật), tượng Phật nằm, tháp Bửu Phong rêu phong cổ kính và Xá Lợi – một báu vật nhà Phật. Xung quanh chùa có Long Đầu Thạch (còn gọi là Hàm Rồng, Hầm Hổ) và đài Tam Thế Phật, đã từng là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động ven đô trong chiến tranh.

Lúc đầu chùa chỉ là thảo am nhỏ sau do Thiền sư Pháp Thông xây cất tôn nghiêm. Chùa được trùng tu mở rộng vào năm 1829 và các năm gần đây. Chùa đã được công nhận Di Tích Lịch sử nghệ thuật cấp quốc gia.

Chùa Long Thiền

Với lịch sử lâu đời, chùa Long Thiền được xem như cái nôi tiếp nhận và truyền bá Phật giáo từ đàng ngoài vào và truyền xuống các tỉnh phía Nam.

Chùa Long Thiền tọa lạc ở số K2/3B ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, với diện tích đất khoảng 1Ha bên bờ sông Đồng Nai. Từ Biên Hòa đi qua cầu Hóa An rẽ trái, đi tiếp khoảng 500 mét rồi lại rẽ trái về hướng sông là sẽ đến chùa. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1664 và là một trong ba ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Đồng Nai, được xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Huệ Thành, người có công đức lớn trong việc trùng tu, tôn tạo lại chùa cũng như có nhiều đóng góp cho công tác Phật sự ở Đồng Nai.

Du khách có dịp về dâng hương ở chùa Long Thiền, ngoài việc chiêm ngưỡng ngôi chùa cổ xưa nhất trên đất Đồng Nai, mà nghệ thuật kiến trúc trải qua bao biến thiên của dòng đời vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa lâu đời từ hình thể chữ Tam truyền thống (vẫn được các ngôi chùa cổ thời Nguyễn mô phòng theo), trên nền diện tích chỉ gần 800m, vật liệu xây dựng chủ yếu bằng gỗ quý, tường xây bằng gạch thẻ tô vôi, mái lợp ngói âm dương, thờ Tam thế Phật.

Khuôn viên chùa Long Thiền là khu vườn rộng, cây cối trồng trong vườn và các chậu cảnh đua nhau nở quanh năm. Nơi đây còn lưu lại nhiều bảo tháp cổ trong đó bảo tháp của Tổ sư Thành Nhạc với tấm bia bằng đá xanh chạm trổ tinh vi được xem là linh thiêng nhất. Ngoài ra, vườn chùa Long Thiền còn có hai ngôi mộ cổ tương truyền của vợ chồng một vị quan triều đình có công lao với xứ sở trong quá trình khai hoang lập ấp, xây dựng chùa Long Thiền.

Chùa Bửu Đức

Chùa Bửu Đức tọa lạc ở số C61A, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa thuộc hệ phái Nam tông. Năm 1991, thượng tọa Thích Giác Chánh trụ trì cho đến nay. Chùa do Đại đức Thích Pháp Bửu thành lập vào năm 1971 trên một diện tích 4.000m2 do Phật tử Nguyễn Văn Lạc cúng dường.

Thượng tọa Thích Giác Chánh thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông đã trùng tu ngôi chùa Bửu Đức năm 1990, đúc tượng đức Phật Thích Ca cao 4m tôn trí ở chánh điện.

Chùa Bửu Đức được xây dựng theo kiến trúc kiểu tháp Xá Lợi bằng vật liệu đá xanh (Biên Hoà). Trên nóc chánh điện có 5 ngọn tháp, tháp giữa thờ Xá lợi Phật được xây theo kiểu tháp Xá lợi Sanchi ở Ấn Độ, còn gọi là Chánh Giác Như Lai. Bốn tháp còn lại là: Tháp Bồ tát Đản sanh, tháp Bồ tát thành Phật, tháp Phật chuyển pháp luân và tháp Phật nhập niết bàn.

Có dịp đến Đồng Nai, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Chùa Bửu Đức, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây. 

Chùa Đại Giác

Chùa tọa lạc ở số 393/A2, ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trong vùng đất cổ cù lao Phố. Chùa thường gọi là chùa Phật lớn (có tượng Phật A Di Đà lớn). Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Mặt tiền chùa hướng Tây Bắc, nhìn ra sông Đồng Nai.

Sách Sổ tay hành hương đất phương Nam (NXB. TP. Hồ Chí Minh, 2002) cho biết chùa do Thiền sư Giác Liễu khai sơn từ thế kỷ XVII. Vị tổ đời thứ hai là Hòa thượng Thành Đẳng – Minh Lượng (1686 – 1769) từ chùa Vạn Đức (Hội An, Quảng Nam) và Bửu Phong (Vạn Ninh, Khánh Hòa) vào trụ trì. Vị tổ đời thứ ba là Thiền sư Linh Nhạc – Phật Ý. Vị tổ đời thứ tư là ngài Tổ Ấn – Mật Hoằng, được nhà Nguyễn phong Tăng Cang. Chùa đã truyền trên mười đời trụ trì.

Tương truyền vào cuối thế kỷ XVIII, gia đình chúa Nguyễn có thời gian tạm trú ở chùa, nên năm 1820, công chúa Ngọc Anh, con thứ ba của Nguyễn Vương đã cúng một tấm biển khắc ba chữ: Đại Giác Tự (bằng chữ Hán). Bên trái khắc: Minh Mạng nguyên niên, mạnh đông cốc đán. Bên phải khắc: Tiên triều Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Anh.

Đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Vương cho trùng kiến ngôi chùa, xây lầu chuông, lầu trống, tạc pho tượng A Di Đà cao 2,25m. Chùa còn bảo tồn nhiều tượng cổ.

Chùa được Hòa thượng Thích Thiện Hỷ cho đại trùng tu vào năm 1959 theo kiểu kiến trúc cổ nhưng bằng nguyên vật liệu hiện đại: tường gạch, cột bê tông, mái lợp ngói vảy cá, nền lót gạch bông. Đến năm 1967, Hòa thượng cho xây nhà Tổ. Cây bồ đề trong sân chùa được trồng vào năm 1939.

Chùa đã được Bộ Văn Hóa & Thông Tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1990. Theo thông tin trên bookin.vn

Với các thông tin về những ngôi chùa mà mình đã nêu trên, thành phố Biên Hòa còn rất nhiều chùa mà chúng ta chưa tìm hiểu hết được. Nếu có dịp ghé thăm Biên Hòa thì các bạn không thể bỏ lỡ những ngôi chùa nổi tiếng này được.

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận